Dòng nước trong xanh của sông Son (Phong Nha, Quảng Bình) là tập hợp của vô số dòng sông ngầm chảy qua hàng trăm hang động đá vôi. Sông Son đẹp nên thơ, chính nơi đây người dân phát triển làng nghề nuôi cá âm thầm bén rễ, vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên để xây dựng nên thương hiệu cá trắm sông Son trứ danh. Bài viết này sẽ đưa du khách đến với câu chuyện kỳ tích của làng nghề cá trắm sông Son – nơi chăm chút sản vật giữa lòng di sản.
Câu chuyện từ con cá trắm đến làng nghề danh tiếng
Lịch sử hình thành làng nghề cá trắm sông Son
Theo người dân địa phương chia sẻ, nghề nuôi cá trắm trên sông Son đã có từ 70 năm trước. Những lồng cá nhỏ nằm rải rác trên sông là một nguồn thu nhập thụ động bởi thời gian nuôi một lứa cá kéo dài ít nhất cũng từ 2 – 5 năm, giá bán cá không quá cao trong khi phải thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ mất trắng vào mùa lũ.
Trước những khó khăn và nguy cơ từ thiên nhiên, những người dân nơi đây vẫn kiên trì với nghề nuôi cá. Từ những lồng bè thô sơ, người ta đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư nên mạng lưới lồng bè kiên cố bằng lưới kim loại, gỗ, và thùng phuy. Quyết tâm giữ lửa nghề truyền thống của những người nông dân chất phát đã giúp làng nghề nuôi cá Trắm sông Son đã dần phát triển, nổi danh như một thương hiệu của miền di sản.
Với lòng sông rộng và dài, nguồn nước trong lành và nguồn thức ăn là rêu, tảo dồi dào trên sông, cá trắm sông Son mang đến hương vị tươi ngon, thịt chắc, dai, và ngọt không khác gì cá được đánh bắt từ tự nhiên.
Để phục vụ nhu cầu của thị trường, từ vài hộ gia đình giữ lửa ban đầu, làng nghề cá trắm sông Son bắt đầu hình thành và phát triển đến hơn 400 hộ nuôi cá với hơn 700 lồng bè. Thị trường ngày càng mở rộng, đầu ra cũng ổn định hơn, người dân dần mở rộng quy mô để cung cấp cho các chợ, nhà hàng, resort, rồi đến các hợp tác xã, nhà máy sản xuất chả cá trắm đóng gói.
Nghề nuôi cá từ đó trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương, cung cấp đến hơn 250 tấn cá mỗi năm. Kẻ bán người mua tấm nập, đời sống kinh tế của người dân cũng dần khởi sắc. Có những hộ gia đình nhờ nuôi cá mà khấm khá lên, có điều kiện cho con cái ăn học. Cũng có những gia đình có nguồn thu nhờ nghề lái cá, họ thu mua số lượng lớn từ lồng bè rồi phân phối cho các nhà hàng, resort, và doanh nghiệp.

Phương pháp nuôi cá trắm sông Son
Phương pháp nuôi cá trắm chính là chìa khóa làm nên tên tuổi của đặc sản cá trắm sông Son. Người dân thả cá vào những lồng bè bằng lưới kim loại rộng khoảng 20m2. Lồng được nối với các thùng phuy nhựa để nổi lên mặt nước. Mỗi lồng như vậy nuôi được khoảng 200 con cá trắm, đến khi cá lớn thì sang ra 2 lồng cho rộng rãi.
Hằng ngày, người dân chèo thuyền dọc theo sông Son để vớt tảo, rêu và phù du để cho cá ăn. Về sau, khi số lượng lồng cá ngày càng tăng, thức ăn trên sông cũng hạn hẹp dần nên thời gian vớt rêu cũng tăng lên. Có người đi từ sáng sớm mờ sương, có người đội nắng giữa trưa, cũng có những nhà phải đi vớt cả ngày trên sông.
Vào mùa lũ, nước chảy xiết thì họ thái lá sắn (khoai mì), chuối, và cắt cỏ để làm thức ăn cho cá. Những ngày lũ cũng là những ngày vất vả nhất với người dân bởi họ phải thức đêm để canh chừng lồng bè phòng khi gió lớn làm bè va đập hoặc nước lũ cuốn trôi đi mất.
Ban đầu lồng chỉ được làm bằng gỗ rồi quấn lưới xung quanh, nhưng sau những lần bè cá bị vỡ hoặc thùng phuy bể dẫn đến nhiều thất thoát, người ra rút ra kinh nghiệm làm lồng bằng lưới sắt. Sau mỗi vụ thu hoạch, họ lại kéo bè lưới lên bờ để gia cố cho chắc chắn rồi mới thả lứa cá mới.
Hội thi cá trắm sông Son – định hướng phát triển bền vững
Nhận thấy tiềm năng và giá trị du lịch – kinh tế đặc biệt của cá trắm sông Son, chính quyền địa phương và người dân Thị trấn Phong Nha, xã Hưng Trạch, xã Liên Trạch đã tổ chức hội thi cá trắm sông Son vào tháng 4 hằng năm để quảng bá hình ảnh đặc sản và thu hút khách du lịch.
Hội thi bao gồm 3 phần:
- Thi thái thức ăn cho cá – các thí sinh sẽ thi cắt chuối làm thức ăn cho cá.
- Thi cá to, cá đẹp – chọn ra con cá trắm to khoẻ, thân hình cân đối, vảy sáng bóng, và có trọng lượng nặng nhất. Cá trắm được chọn sẽ được gọi là “hoa hậu cá trắm”.
- Thi chế biến các món ăn ngon từ cá trắm. Các đội sẽ chế biến con cá trắm dự thi của mình thành 3 món ăn hấp dẫn rồi bày lên bàn tiệc để ban giám khảo thưởng thức và chấm điểm. Một số đơn vị có thể mời đầu bếp nổi tiếng đến thực hiện phần dự thi này.
Đây là sân chơi gắn kết cộng đồng, tôn vinh làng nghề truyền thống và khuyến khích phát triển làng nghề theo định hướng bền vững, thân thiện với môi trường và duy trì chất lượng của sản vật. Không chỉ dừng lại ở quảng bá du lịch, hội thi còn góp phần khẳng định thương hiệu của cá trắm sông Son, từng bước xây dựng và mở rộng thị trường đối với đặc sản trứ danh của dòng sông ngọc bích.

Những món ăn nổi tiếng được làm từ cá trắm sông Son
1. Chả cá trắm
Chả cá trắm là một trong những món đặc sản nổi tiếng nhất ở Phong Nha nói riêng và Quảng Bình nói chung. Miếng chả cá vàng giòn, dai ngọt, hương vị đậm đà ăn kèm nộm rau sống và bún tươi khiến thực khách khó mà dừng đũa.
Cách làm món này cũng không quá khó. Chỉ cần lóc lấy phần thịt cá phi lê, bằm nguyễn hoặc xay nhuyễn rồi trộn với các gia vị như hành tím, tiêu, nước mắm, thì là và một thịt nạc mông băm nhuyễn để tăng thêm vị béo. Trung bình một con cá trắm nặng khoảng 5kg thì sẽ lóc được 2,5kg thịt phi lê. Nặn hỗn hợp chả thành những viên nhỏ, ép dẹp, sau đó rán ngập dầu cho đến khi vàng đều hai mặt thì vớt ra. Khi ăn có thể trang trí thêm cùng nộm hoa chuối và ít rau sống cho bắt mắt hơn.
2. Gỏi cá trắm
Gỏi cá trắm được làm từ cá trắm sống thái mỏng, khi ăn cuốn cùng bánh tráng và rau sống mang đến hương vị tươi ngon, lạ miệng nhưng không hề bị tanh.
Để làm được món này bạn cần chọn một con cá tươi, sơ chế thật sạch để loại bỏ hết vảy và nhớt trên da cá. Sau đó cắt lấy phần thịt phi lê theo chiều dọc rồi ngâm trong một chậu nước chanh pha loãng, cho thêm vài viên đá, ngâm khoảng 10 phút cho thịt cá săn lại.
Khi thịt cá đã săn và hết mùi tanh thì thái lát thật mỏng rồi trộn với hỗn hợp sả, hành tím, và riềng băm nhuyễn. Có thể trộn thêm một ít hạt nêm hoặc mì chính cho đậm đà. Gói cá trắm phải được chấm cùng cheo – linh hồn của món gỏi cá trắm. Bạn sẽ cần dùng một ít thịt cá phi lê xay nhuyễn cùng hành, sả, canh mẻ chua, sa tế, và trứng gà rồi đun sôi và nêm nếm gia vị vừa ăn.
3. Cá trắm nướng riềng mẻ
Hương riềng thơm lừng, vị ngọt dai của cá pha lẫn chút chua dịu từ mẻ chính là đặc trưng của món cá trắm nướng riềng mẻ.
Để làm món này, bạn cần một con cá trắm tươi ngon, làm sạch và phi lê, hoặc cắt khúc tùy sở thích rồi tấm ướp với hỗn hợp mẻ, riềng, sả, nghệ xay nhuyễn cùng một ít nước cốt chanh và gia vị như muối, nước mắm, dầu hào, tiêu, mắm tôm, dầu ăn (hoặc mỡ lợn) trong 30 phút.
Cá đã thấm gia vị được nướng trên lửa than hồng cho đến khi vàng đều 2 mặt và được ăn kèm cùng rau sống, chuối xanh, khế chua, và bánh tráng.
Gợi ý một số nhà hàng để thưởng thức cá trắm ở Phong Nha
1. Nhà hàng Commander Lodge
Nhà hàng Commander Lodge tọa lạc ở trung tâm thị trấn Phong Nha, là nơi thuận tiện cho du khách nghỉ ngơi và trải nghiệm ẩm thực địa phương. Với menu kết hợp đa dạng giữa đặc sản bản địa như cá trắm kho nghệ, canh chua cá trắm, ẩm thực đồng quê cùng các món âu, nhà hàng phục vụ những bữa ăn thơm ngon, ấm cúng cho nhiều nhóm thực khách khác nhau.
2. Thưởng thức cá trắm tại Chày Lập Restaurant
Nhà hàng nằm trong khuôn viên của Chày Lập Farmstay, thôn Chày Lập, xã Phong Nha, tỉnh Quảng Trị. Tọa lạc giữa một ngôi làng bình yên được bao quanh bởi núi non hùng vĩ, nhà hàng có cả không gian kín và mở với view hướng ra vườn cây xanh mướt. Thực khách đến đây không chỉ có thể thưởng thức các món ăn ngon từ cá trắm mà còn nhiều món đặc sản đồng quê hấp dẫn khác như gà đồi nướng muối ớt, thịt heo thảo mộc xào sả ớt, ốc xào lá lốt, v.v.
Bên cạnh đó, du khách lưu trú tại Chày Lập còn có cơ hội trải nghiệm đạp xe tham quan làng quê và chèo kayak dọc theo sông Chày để ngắm nhìn làng nương ngô xanh mướt, bờ sông hiền hoà, và đời sống lao động của những người dân cần cù.

3. Nhà hàng Trắm Sông Son
Nhà hàng tọa lạc tại 08 Lê Quý Đôn, phường Đồng Hới, Quảng Trị, Việt Nam. Nơi đây có không gian ấm cúng và menu đa dạng với khoảng 30 món ăn được chế biến từ cá trắm. Du khách đến đây sẽ có thể thưởng thức những món cá trắm truyền thống như chả cá trắm, cá trắm nướng, đến các món được biến tấu độc đáo như cá trắm xóc phô mai, v.v.
Từ những lồng bè đơn sơ, cá trắm sông Son đã vươn mình trở thành một đặc sản trứ danh, góp phần làm nên tên tuổi của vùng đất cằn cỗi nhưng tràn trề sức sống. Trong nhịp độ ngày càng nhanh của xã hội, việc phát triển làng nghề truyền thống đi đôi duy trì chất lượng mang tính biểu tượng của sản vật và bảo vệ những giá trị văn hoá quý giá của vùng đất Phong Nha trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Ngày nay, khi nhắc đến cá trắm sông Son, người ta không chỉ nghĩ đến một món ăn mà còn là tinh hoa ẩm thực, sự kết tinh hài hoà của thiên nhiên, con người, và bản sắc văn hoá lâu đời.