Dưới lớp rêu phong của những bức tường gạch đỏ, Thành cổ Đồng Hới là chứng nhân lặng lẽ của gần 400 năm lịch sử đầy biến động. Từ phòng tuyến vững chắc, nơi đây đã chứng kiến biết bao trận chiến khốc liệt từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh đến những năm tháng kiên cường trong kháng chiến, nơi đây đã gắn liền với biết bao sự kiện quan trọng của dân tộc.
Bức tường thành sừng sững không chỉ ghi dấu những cuộc chiến oai hùng mà còn phản chiếu tinh thần bất khuất của nhân dân Quảng Bình. Hành trình khám phá Thành cổ cũng chính là hành trình ngược dòng thời gian, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của lịch sử và lòng yêu nước đã hun đúc qua bao thế hệ.
Thành Cổ Đồng Hới ở đâu?
Thành Cổ Đồng Hới nằm ở trung tâm phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Trị (Quảng Bình cũ), được hình thành từ đồn binh Động Hải trong hệ thống Lũy Thầy (Lũy Đào Duy Từ hay Lũy Trấn Ninh), nơi từng được mệnh danh là “Định Bắc trường thành”. Tòa thành được xây dựng trên vùng đất xung yếu trong tuyến đường xuyên Việt từ Bắc vào Nam, đóng vai trò như “yết hầu” của xứ Đàng Trong trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Nằm cách cửa biển Nhật Lệ khoảng 1.500m, thành vừa là tuyến phòng thủ chiến lược, vừa là điểm tiếp viện quân sự quan trọng. Nhờ vị trí đặc biệt này, nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, đóng vai trò then chốt giúp các chúa Nguyễn ngăn chặn bao cuộc Nam chinh từ Đằng Ngoài.
Ngày nay, dù chỉ còn lại một phần dấu tích, Thành Cổ Đồng Hới vẫn là điểm tham quan lịch sử đáng chú ý, gần các địa danh như Quảng Bình Quan (nằm ngay cửa Nam của thành cổ), biển Nhật Lệ (2km), chợ Đồng Hới (500m).
Giá vé tham quan thành cổ Đồng Hới hoàn toàn miễn phí cho người dân và du khách. Du khách có thể dễ dàng đến đây từ sân bay Đồng Hới (7km), ga Đồng Hới (3,6km), hay bến xe Đồng Hới (1,6km) bằng nhiều phương tiện khác nhau như taxi hoặc thuê xe máy và xe đạp.

Thành cổ Đồng Hới trong gần 400 năm thăng trầm của lịch sử
Lịch sử hình và kiến trúc của thành cổ Đồng Hới
Thành cổ Đồng Hới hay còn gọi thành cổ Quảng Bình có nguồn gốc từ hệ thống phòng thủ lũy Thầy (lũy Trấn Ninh), được Đào Duy Từ đề xuất xây dựng vào năm 1630 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm bảo vệ Đàng Trong trước sự lăm le của chúa Trịnh. Trong suốt 50 năm, chúa Trịnh nhiều lần mở các cuộc Nam Chinh nhưng đến sông Gianh đều thất bại tại tuyến phòng thủ kiên cố này. Cũng từ đó, sông Gianh trở thành ranh giới phân chia lãnh thổ, tạo nên cảnh sông núi chia đôi trong gần 150 năm.
Mãi đến năm 1774, khi Đàng Trong suy yếu dưới thời quyền thần Trương Phúc Loan, quân Trịnh mới vượt qua Quảng Bình quan và chiếm Phú Xuân. Sau đó, vào năm 1786, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn đánh bại chúa Trịnh, tiếp quản vùng đất này và cho gia cố hệ thống phòng thủ. Đến thời Gia Long, năm 1811, khu vực này được tu bổ, trở thành trung tâm hành chính của dinh Quảng Bình và được gọi là Thành Quảng Bình.
Đến năm 1824, vua Minh Mạng đã cho xây dựng lại tòa thành bằng gạch đá theo kiến trúc Vauban trên nền đất cũ của thành Quảng Bình. Kiến trúc Vauban là một lối kiến trúc phòng thủ thịnh hành ở các nước phương Tây thời bấy giờ. Thành Bát Quái ở Gia Định là tòa thành đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng theo kiến trúc Vauban.
Thành Quảng Bình sau khi xây dựng xong có chu vi 469 trượng (khoảng 1.860m), tường cao 1 trượng (4m), chân thành dày 3 trượng 1 thước (khoảng 9,3m). Thành cổ chỉ có 3 cửa chính là Bắc môn, Đông môn và Nam môn, trong đó Nam môn hướng ra Quảng Bình quan, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ. Nam môn và Bắc môn được xây lệch hướng để ngăn chặn việc kể thù quan sát bố cục bên trong thành.
Trên mỗi cổng thành đều có vọng canh tám mái, cổng thông ra ngoài qua cầu cuốn vòm bằng gạch. Ngoài thành, cách chân thành khoảng 5-6m là hệ thống hào rộng 7 trượng (28m), tạo thêm lớp bảo vệ.
Năm 1842, trong chuyến Bắc tuần Động Hải, vua Thiệu Trị đã ra lệnh cho quan Thượng thư Bộ Công cùng quân dân địa phương tu bổ, gia cố lại thành và các cổng nhằm tăng cường sự vững chắc của công trình.
Thành Quảng Bình dưới ách đô hộ của thực dân Pháp
Năm 1885, khi Thực Dân Pháp tấn công miền Trung, thành Quảng Bình một lần nữa trở thành nơi phòng ngự, phản công của quân đội nhà Nguyễn. Tuy nhiên, sau 2 lần tấn công quyết liệt, ngày 19-7-1885, thành rơi vào tay giặc.
Trong phong trào Cần Vương, quân và dân Quảng Bình do Nguyễn Phạm Tuân chỉ huy đã tổ chức 3 đợt tập kích vào năm 1886, gây thiệt hại nặng cho địch. Dưới thời Pháp thuộc, phần lớn công trình bị phá hủy, nhưng nơi đây vẫn là điểm tụ nghĩa của những người sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Thành cổ Đồng Hới trong kháng chiến Chống Mỹ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thành cổ Đồng Hới là một trong những mục tiêu trọng điểm bị không quân Mỹ oanh tạc dữ dội nhằm cắt đứt tuyến chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Khi Mỹ mở màn cuộc chiến tranh phá hoại, quân và dân Đồng Hới đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi một máy bay AD-6 ngay trong thành.
Trong suốt những năm chiến tranh leo thang, hàng vạn tấn bom đã trút xuống Đồng Hới, phá hủy làng mạc, đường phố, nhà cửa và san phẳng nhiều công trình quan trọng, trong đó ba cổng thành cổ, cầu vòm gạch, và nhiều đoạn tường thành. Tuy nhiên, giữa đống đổ nát, nhân dân Đồng Hới vẫn kiên cường bám trụ, vừa chiến đấu vừa sản xuất và chi viện cho miền Nam ruột thịt. Những tấm gương như mẹ Suốt, em bé Bảo Ninh hay các cụ lão quân Đức Ninh và hàng nghìn, hàng vạn tấm gương chiến đấu quên mình khác đã khắc ghi tinh thần bất khuất của dân tộc, biến thành cổ Đồng Hới thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Giá trị văn hóa và du lịch của Thành Cổ Đồng Hới trong thời đại mới
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Thành cổ Đồng Hới không chỉ là biểu tượng của quá khứ hào hùng mà còn là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc và đời sống đương đại của Quảng Bình.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa Đồng Hới được chính quyền và người dân Quảng Bình hết sức quan tâm. Nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21/1/1992 và được trùng tu vào năm 2005 với tổng kinh phí khoảng 31 tỷ đồng. Công trình được phục dựng với tường thành bằng gạch đỏ, hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng và dòng kênh bao quanh, tạo nên một không gian vừa trang nghiêm, vừa hài hòa với thiên nhiên.
Năm 2020, tượng đài Hồ Chí Minh và nhân dân Quảng Bình được khánh thành ngay trong khuôn viên thành cổ, trở thành một điểm nhấn quan trọng. Quảng trường xung quanh không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng, thu hút đông đảo người dân và du khách. Mỗi buổi tối, quảng trường rực sáng, đón làn gió mát lành từ sông Nhật Lệ, trở thành điểm vui chơi, thư giãn của người dân với các hoạt động như tản bộ, tập thể dục, thả diều.
Các điểm du lịch hấp dẫn gần Thành Cổ Đồng Hới
Thành cổ tọa lạc ở ngay trung tâm thành phố và khá gần các điểm tham quan nổi tiếng, giúp du khách dễ dàng kết hợp cho tour du lịch Đồng Hới của mình:
- Quảng Bình Quan (ở Nam môn của thành cổ): Từng là cổng thành phòng thủ quan trọng của Quảng Bình, công trình này mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn và là biểu tượng lịch sử của thành phố.
- Tượng đài Mẹ Suốt: Công trình tưởng nhớ mẹ Suốt – người phụ nữ anh hùng đã chèo hơn 4000 nghìn chuyến đò chở bộ đội qua sông Nhật Lệ trong thời chiến.
- Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa: Phần còn lại của một nhà thờ Công giáo bị bom Mỹ tàn phá năm 1968, là nhân chứng lịch sử về sự khốc liệt của chiến tranh.
- Bảo tàng Quảng Bình: Lưu giữ nhiều hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa Quảng Bình, giúp du khách hiểu thêm về vùng đất này.
- Bãi biển Nhật Lệ: Cách thành cổ không xa, nơi đây nổi tiếng với bờ cát trắng mịn và nước biển trong xanh, là điểm thư giãn lý tưởng.

Ngoài ra, du khách có thể mở rộng hành trình với các địa điểm du lịch Quảng Bình xa hơn như Vũng Chùa – Đảo Yến, Đèo Ngang, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay các di tích lịch sử tại Phong Nha.
Trải qua gần 400 năm thăng trầm, Thành cổ Đồng Hới vẫn sừng sững như một chứng nhân lịch sử, khắc ghi những biến động và chiến công oanh liệt của dân tộc. Nơi đây không chỉ là dấu ấn kiến trúc quan trọng mà còn là biểu tượng cho tinh thần kiên trung của bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ quê hương. Mỗi viên gạch, mỗi bức tường của Thành cổ đều chứa đựng những câu chuyện về một thời kỳ hào hùng. Hành trình khám phá di tích này không chỉ giúp du khách hiểu hơn về quá khứ mà còn gợi nhắc trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử quý báu cho thế hệ mai sau.